Trường THCS Đại Sơn Đô Lương. Thiết kế Website 0989662498

https://thcsdaison.doluong.edu.vn


CẢM XÚC CỦA CON

Cảm xúc của con
CẢM XÚC CỦA CON
CẢM XÚC CỦA CON
(Tùy bút- Vương Xuân Chấn)
          Tôi đã đọc bài thơ “Mùa thi” trong một cuốn sổ tay cách đây hơn 20 năm. Tôi rất tiếc không biết tác giả của bài thơ và cũng không biết mình có được đọc đúng nguyên bản bài thơ này hay không. Nhưng những cảm xúc của ngày ấy vẫn còn nguyên mỗi khi tôi nhớ lại bài thơ này.
Mở đầu là khung cảnh của mùa thi: “Mùa thi về giữa mùa lúa chín; trang sách mở thoảng hương lúa bay; tu hú hót rung cành cây; văng vẳng tiếng ve và màu phượng vỹ”.
Một mùa thi rất đẹp, rất nên thơ và yên bình. Một mùa thi bình dị khiến cho ta cảm thấy thư thái lạ thường.
Và cảm xúc bắt đầu dâng lên khi ta gặp hình ảnh người Mẹ, một người nông dân chân lấm tay bùn: “Mẹ tôi gặt cả ngày không nghỉ; vẫn lo cho con bát dấm cua đồng; lo cho con trong mùa thi tới”. Vâng, người Mẹ đó đã vất vả một nắng, hai sương, Người đã chắt chiu sức lực của mình để chăm sóc cho đứa con thân yêu trong mùa thi đầy cam go, vất vả:
Bao đời nay vẫn thế, Mẹ luôn là Người chịu cam chịu khó. Mẹ không nghĩ nhiều về bản thân, không lo nhiều cho bản thân mà hầu như Mẹ chỉ lo cho chồng, cho con với tất cả tình yêu và sự hy sinh thầm lặng.
          Nếu như hình ảnh Người Mẹ cho ta cảm xúc của sự biết ơn, thì cảm xúc đó như dâng cao và như nén lại khi hình ảnh của người Bố được đưa vào khổ thơ cuối: “Bố tôi làm đồng mệt nhọc; tối về vẫn mở vở ra xem; bố cũng ngồi yên dưới ánh đèn; như chính mình… thi vậy”.
Tôi đã khóc rất nhiều, và bây giờ tôi vẫn khóc mỗi khi nhớ lại khổ thơ này. Bố tôi là một người nông dân và người Bố trong bài thơ này cũng là một người nông dân. Người có thể không hiểu gì về môn Toán, môn Văn. Người có thể không hiểu những gì trong cuốn vở của con mình. Nhưng Người hiểu, và Người rất hiểu sự vất vả của con trước mỗi mùa thi. Có lẽ trong sâu thẳm trái tim mình Người rất muốn gánh vác giúp cho đứa con thân yêu. Người muốn giành hết những vất vả về mình. Nhưng Người biết rằng Người không thể giúp gì cho con trong những bài học kia. Người không thể làm được gì hơn để vơi bớt sự vất vả của con. Vâng, chỉ bằng tình thương con vô hạn, chỉ bằng sự khao khát sẻ chia thì Người mới cảm nhận được hết những gì mà đứa con đang và sẽ trải qua.
Trong nhạt nhòa nước mắt, tôi đã thấy hình ảnh Người bố với nét khắc khổ của Người nông dân đang ngồi dưới ánh đèn cùng con và trước mắt mình là những con chữ nhòa đi trong niềm thương con vô bờ bến và sự “bất lực” của bản thân mình. Bố muốn thức cùng con để cảm nhận được hết những âu lo của con và hy vọng sự sẻ chia này sẽ tiếp cho con thêm sức mạnh, bớt cho con những khó khăn vất vả, để con vững vàng trước mùa thi.
“Bố ơi, con biết tình thương của Bố dành cho con là vô bờ bến. Con không thể nào kìm nén được lòng mình khi mỗi đêm được chứng kiến cảnh Bố đã thức cùng con. Những con chữ này nó có thể không làm còng thêm lưng Bố. Nhưng nỗi lo âu,  vất vả của con sẽ làm dáng Bố gầy thêm và tóc Bố bạc thêm. Bố lặng im nhưng lại nói rất nhiều. Con biết trái tim của Bố trĩu nặng âu lo. Những con chữ trước mắt con cũng nhòa đi trong tình thương Bố vô hạn. Con biết làm gì đây để vơi bớt nỗi khó nhọc của Người”.
          Có thể những dòng chữ này, không thể nói hết cảm xúc của tôi khi tôi đọc bài thơ Mùa thi. Nhưng tôi muốn sẻ chia cùng các bạn để chúng ta cùng nghĩ suy cho bản thân mình. Với cương vị là người con, chúng ta càng thấm thía hơn tình thương của Cha Mẹ đã dành cho ta, để ta không làm buồn lòng Người. Với trách nhiệm của người cha, người mẹ chúng ta hãy dành cho con mình tình thương và sự sẻ chia. Chúng ta hãy bước cùng con trên những bước đường đời. Bởi tình thương và sự sẻ chia của chúng ta sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những đứa con thân yêu của mình.
Tải về tại đây:/uploads/news/2018_04/cam-xuc-cua-con.doc

Nguồn tin: Vương Xuân Chấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây